I.
Chuẩn bị chịu tử hình, tôi nay đang bị giam tại một nhà ngục ở Tokyo.
Ôi, án tử! Thế nhân chẳng còn biết từ nào đáng sợ, khủng khiếp hơn nó nữa; thấy trên báo, đọc trong sách bao nhiêu lần, cũng không ai lại trù liệu rằng cái từ kinh hoàng ấy sẽ liên can đến mình. Ấy vậy mà tôi lại vẫn sống bình thản như thể không có cái án này treo trên cổ vậy.
Những người thường ngày vẫn yêu thương, thân thiết với tôi, khi hay tin sẽ ngờ vực thế nào, mà lúc xác thực rồi sẽ tiếc thương, khổ sở, buồn bã, tủi hổ ra sao; nhất là người mẹ già của tôi — bà sẽ tuyệt vọng đau đớn biết chừng nào.
Nhưng với bản thân tôi, án tử hình chẳng là gì hết.
Tôi có phạm trọng tội đáng chết không, cứ nhìn vào phiên xử công khai mà lại cấm dự khán hôm nay là rõ: tôi không hề được tự do thanh minh cho bản thân. Trăm năm sau, biết đâu sẽ có người thanh minh cho tôi không chừng. Dù thế nào đi nữa, là tử tù cũng không phải chuyện gì to tát.
Đây không phải lời nói bừa hay khoác lác, mà là tâm tình không chút giả dối của tôi. Người nào thực sự biết tôi sẽ rõ ấy là sự thật. Sakai Toshihiko((Sakai Toshihiko (1871–1933): nhà tư tưởng chủ nghĩa xã hội người Nhật, cùng Kotoku xuất bản tờ báo Heimin Shimbun (tạm dịch: Báo Bình Dân), một tờ báo phản chiến mang tư tưởng chủ nghĩa xã hội.)) bảo, “có gì đặc biệt, là kết cục hiển nhiên mà thôi.” Koizumi Sakutaro((Koizumi Sakutaro (1872–1937): Chính trị gia người Nhật, quan hệ thân thiết với Kotoku.)) bảo, “Kotoku vẫn nói, chuyện có ra thế((Ý chỉ việc bị khép án tử. Được nhấn mạnh trong nguyên tác.)) cũng không hề gì.” Kể cả người mẹ già mà tôi những tưởng sẽ tuyệt vọng, đau đớn lắm cũng dặn ngay, “mẹ đã chuẩn bị tinh thần nên đâu có bất ngờ khi chuyện thành ra thế này. Không phải lo lắng gì cho mẹ.”
Án tử! Ấy là kết cục hiển nhiên của tôi; tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi. Đối với tôi, án tử chẳng phải chuyện kinh khủng hay đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ.
Tôi đợi án tử trong tù cũng như người ốm hấp hối trong nhà thương, thậm chí còn nhàn nhã hơn vì không phải chịu đau bệnh.
II.
Heraclitus((Heraclitus (khoảng 535 TCN–475 TCN). Nhà triết học duy vật thời Hy Lạp cổ đại, được coi là ông tổ của phép biện chứng.)) từng nói, vạn vật rồi cũng sẽ trôi mất theo dòng đời; mọi sự vô thường, vũ trụ vạn biến.
Bản thể((Tiếng Anh: substance)) vốn không có khởi đầu hay kết thúc, không có sinh cũng không có diệt. Tuy nhiên, vô số những hình thái((Tiếng Anh: form)) đa dạng được cấu thành từ hai mặt của bản thể là vật chất và năng lượng thì lại không như vậy; chúng có khởi đầu và kết thúc; được tạo ra rồi sẽ bị phá hủy; được sinh ra rồi sẽ phải chết đi. Nói một cách chính xác, vạn vật đều dần dần chết đi ngay từ thời điểm chúng được sinh ra.
Ấy là vận mệnh của Mặt trời, của Trái đất và của các hành tinh, cũng là vận mệnh của tất cả các sinh thể hữu cơ sống trên Trái đất, từ loài vi khuẩn nhỏ bé đến loài voi khổng lồ. Mọi môn khoa học như Thiên văn, Địa lý hay Sinh vật học đều chỉ rõ điều này. Nhân loại chúng ta không một ai có thể thoát khỏi quy luật ấy.
Không, chẳng cần đến lý luận khoa học cũng thấy, cái chết của con người là sự thật thường xuyên xảy ra trước mắt ta — một sự thật không ai có thể chối cãi. Không gì là ngoại lệ trước cái chết. Đối mặt với nó, giàu sang quý phái cũng như nghèo khổ bần hàn, thiện ác hay tà chính, khôn cũng như dại, tất cả đều bình đẳng như nhau. Tri thức của kẻ nào cũng không thể trốn thoát nó, quyền lực của kẻ nào cũng không thể chống lại nó. Những kẻ tìm mọi cách để chạy trốn hay chống lại nó, rốt cuộc đều là những kẻ sân si bậc nhất: hài hước như tìm thuốc bất tử ở Đông Hải hay cố xây tháp chạm trời ở Babel vậy.
Quả vậy, thiên hạ này có vô số kẻ sợ chết. Họ chẳng phải không biết cái chết là không thể tránh khỏi, cũng không phải muốn trốn tránh cái chết; không ai không biết trường sinh chỉ là chuyện vớ vẩn, thậm chí người ta còn chẳng mong sống đến 125 tuổi như Bá tước Okuma.((Chỉ Okuma Shigenobu, thủ tướng thứ 8 của Nhật, từng đề ra học thuyết con người có tuổi thọ 125 năm.)) Không, nhiều người ngay chuyện sống đến 100 tuổi, 90 tuổi hay 80 tuổi đã thấy khó rồi. Vậy thì họ không phải chỉ đơn giản là sợ cái chết, hay sợ sẽ không tránh được cái chết. Chưa bàn tới việc họ có tự nhận thức được hay không, nguồn cơn nỗi sợ của họ nằm ở nơi khác.
Ví dụ như: (1) sợ sẽ không sống đủ tuổi thọ tự nhiên rồi chết già, mà chết trẻ vì bệnh tật hay những lý do khác khi chưa kịp nếm trải, tận hưởng cuộc sống; (2) vì những chuyện mê tín về kiếp sau mà sợ rằng sẽ phải lang thang dưới hoàng tuyền một mình, xa vợ con và người thân; (3) ham tiếc hoan lạc, công danh, quyền thế hay tài sản của kiếp này; (4) nuối tiếc những kế hoạch, công việc còn dang dở; (5) không muốn chết khi chưa có con cháu nối dõi, chưa tậu ruộng xây nhà; (6) đơn giản là run sợ khi nghĩ tới cơn đau lìa thế.
Đếm từng lý do một thì quả là vô số, nhưng tóm lại, người ta không sợ cái chết mà sợ vô số những đặc trưng, hoàn cảnh khó mà tách biệt của nó như: mê tín, ham muốn, sân si, vọng tưởng, ám ảnh. Vậy nên nhìn mà xem, nếu những đặc trưng, hoàn cảnh này thay đổi một loạt và con người ta được giải thoát khỏi chúng, hay có những lý tưởng khác quan trọng hơn chúng, thì cái chết chẳng còn là gì nữa. Không chỉ là không sợ chết, có nhiều người vì tình yêu, vì công danh, vì nhân nghĩa, vì tự do, hoặc là vì muốn thoát khỏi nỗi thống khổ của kiếp nhân sinh mà lao thẳng vào cái chết nữa kia.
Từ xa xưa, cái chết là thứ khiến người ta phải tiếc thương, đau buồn. Nhưng sự thật là chỉ những kẻ ở lại mới tiếc thương, đau buồn khi mất đi người mình yêu mến, kính trọng hay tin tưởng. Còn đối với người chết — ba hồn bảy phách về với thinh không, cả cảm xúc lẫn ký ức đều lập tức tan biến — thì có gì để mà đau buồn với tiếc thương. Người chết thì không có tình cảm hay nhận thức, không vui cũng chẳng buồn mà chỉ ngủ một giấc thiên thu. Nhưng sau hàng vạn năm chứng kiến vợ con, người thân của người chết và những người còn sống khác khóc thương cho họ trong đau khổ, chúng ta đã mặc định: cái chết là điều đáng thương, đáng buồn. Người xưa nói sinh ly hơn tử biệt là bởi người chết thì không đau buồn, nên sinh ly mới là thứ đáng thương đáng tiếc.
Vậy đấy, nhân loại, không, tất thảy chúng sinh đều có bản năng tự bảo tồn, như việc ăn uống hay sinh hoạt chẳng hạn. Nhìn vào đó thì thấy, có vẻ việc người ta trốn tránh, kháng cự cái chết là điều hiển nhiên. Nhưng mặt khác, chúng ta còn có bản năng duy trì nòi giống. Hy sinh bản thân không hối tiếc vì tình yêu hay vì mục đích sinh sản cũng là một hiện tượng tự nhiên. Ví dụ đầu tiên là ví dụ cho tính vị kỷ, ví dụ thứ hai là ví dụ cho lòng bác ái.
Hai thứ này từ xưa đã được xem là nghịch nhau như nước với lửa, mà trong thực tế thì giữa chúng cũng thường xảy ra nhiều mâu thuẫn và xung đột. Thế nhưng những mâu thuẫn và xung đột này đều hoặc là do hoàn cảnh hoặc giáo dục, chứ không phải do bản chất. Không — chúng cần phải được cân bằng, hòa hợp với nhau. Trong bầy đàn động vật cũng như xã hội loài người, tập thể nào mà tính vị kỷ và lòng bác ái liên tục mâu thuẫn xung đột sẽ bị diệt vong, còn nơi cân bằng được chúng sẽ phồn vinh thịnh vượng.
Ngoài ra, sự thống nhất và hòa hợp này xảy ra bởi lẽ, bản năng tự bảo tồn luôn vừa dựa trên cơ sở, vừa làm tiền đề cho bản năng duy trì nòi giống. No cơm ấm cật sẽ dẫn đến con đàn cháu đống. Khi sinh vật trao đổi chất hoặc là hoạt động duy trì nòi giống thì bản năng tự vệ đã phải hoàn thành phần việc của mình rồi. Thế nên khi cây có quả thì hoa phải rụng; thế nên người mẹ mới dồn hết tâm huyết để nuôi dạy con, thậm chí đến mức chẳng màng sống chết. Để nòi giống được bền lâu mà coi nhẹ cái chết không phải mâu thuẫn, mà là trật tự tự nhiên. Bản năng của con người không nhất thiết phải chính đáng, cũng không phải việc sợ hãi cái chết tự nhiên. Người ta đều sống để chuẩn bị đón nhận số mệnh ấy mà thôi.
Vậy, cái chết không phải là vấn đề; vấn đề nằm ở chỗ người ta chết khi nào, chết như thế nào, mà quan trọng hơn cả là trước khi chết đã sống một cuộc đời ra sao.
III.
Chỉ cần không phải kẻ điên cuồng thì không ai lại muốn trường sinh bất tử cả. Nói rằng người ta ai cũng mong mình được chết già cũng không phải là nói quá.
Thế nhưng để sống hết thọ mệnh, không đau bệnh, không thương tật, chỉ là già yếu thì dầu cạn đèn tắt mà chết đi, lại là chuyện vô cùng khó. Muốn vậy thì phải phòng chống được mọi loại bệnh tật, tai ương; phải có sự chú tâm, có những phương pháp và thiết bị tuyệt đối hoàn hảo. Mấy trăm năm nữa, khi văn minh nhân loại ngày càng tiến bộ, cả về vật chất lẫn kiến thức y tế công cộng, xã hội có cơ sở vật chất ổn định, nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân như cơm ăn, áo mặc, chỗ ở được đáp ứng đầy đủ, tinh thần thì luôn thanh thản, thoải mái, không ai phải nhọc tâm nhọc thân vì muộn phiền gian khổ, thì hầu hết chúng ta mới sống tròn thọ mệnh được. Tôi mong rằng thế giới ấy sẽ đến càng sớm càng tốt. Thế nhưng xã hội ngày nay, ngay tại thủ đô phồn hoa bậc nhất châu Á((Ý chỉ Tokyo)) này, trên mặt đất và trong không khí vẫn còn đầy những thứ vi trùng đáng sợ; tàu hỏa, tàu điện ngày nào cũng đâm nhau hoặc đâm người; giá gạo, chứng khoán và thị trường hàng hóa thì biến động từng giờ từng phút; cảnh sát, tòa án và nhà tù thì bận hết công suất. Trong một xã hội như thế, nếu có người sống được hết thọ mệnh, thì phải nói rằng đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên vô cùng hiếm có.
Trên thực tế, kể cả những kẻ có quyền lực to lớn, tài sản khổng lồ, không phải lo chuyện miếng cơm manh áo, hay những nhà sư để dưỡng sinh mà làm những việc người thường khó dám như kiêng khem, cấm dục, khổ tu, cũng hiếm có ai không bệnh tật gì mà chết. Nói gì đến vô số những người không quyền lực, không giàu có, những người yếu đuối, ngu muội: nhiều người trong số họ chết vì thiếu ăn, vì làm việc quá sức, vì môi trường sống và không khí ô nhiễm, vì quá nóng hay quá lạnh; họ chết dần chết mòn vì bệnh tật nảy sinh từ những lý do không tự nhiên như căng thẳng quá độ, khi còn chưa sống hết nửa cuộc đời. Không chỉ mỗi bệnh tật, người ta còn chết đói, chết cóng, chết đuối, chết cháy, chết vì động đất, chết vì bị xe cán, chết vì vướng vào thiết bị trong công xưởng, chết ngạt vì khí ga trong hầm mỏ, vì ham muốn cá nhân mà bị ám sát chết, vì cùng quẫn mà tự sát chết. Sinh mệnh con người ngày nay không phải dầu cạn đèn tắt, mà là bị gió lớn thổi tắt. Ngay lúc này tôi không tìm được thống kê nào, nhưng số người tử vong bất ngờ, không phải do bệnh tật mỗi năm có lẽ phải lên tới hàng vạn.
Xã hội loài người tiến hóa từ một thế giới động vật mà trong đó, cá mòi làm mồi cho cá voi, chim sẻ làm mồi cho diều hâu, cừu làm mồi cho sói, đến nay mới được mấy vạn năm. Trong thảm cảnh cá lớn nuốt cá bé ấy, đa số kẻ yếu đều trực tiếp hoặc gián tiếp trở thành vật hy sinh cho cuộc đấu tranh sinh tồn. Trước mắt thì ấy là chuyện đương nhiên. Mong muốn được sống tròn mệnh, tưởng có thể mà thực ra lại là không thể. Một kẻ vừa yếu đuối vừa ngu muội, vừa nghèo lại vừa hèn như tôi đây, thì nào dám mơ tưởng tới chuyện ấy.
Không, ngay từ đầu tôi đã không mong được sống tròn thọ mệnh rồi. Đối với tôi không phải cứ sống lâu là hạnh phúc; tôi cho rằng hạnh phúc cũng chỉ là việc tự thỏa mãn dục vọng của bản thân khi sống mà thôi. Nếu đời người có thứ gọi là “giá trị xã hội”, thì nó chẳng nằm ở tuổi thọ mà nằm ở nhân cách, sự nghiệp, cũng như ảnh hưởng của một người lên những thế hệ sau.
Chẳng phải mình tôi, thiên hạ này có biết bao kẻ không thể sống cho hết thọ mệnh. Nếu cho rằng không phải cứ chết già là có phúc, thì ta có thể thanh thản đón nhận cái chết, bất kể vì bệnh tật hay vì những lý do bất thường khác. Nhưng, dù chết lúc nào, chết như thế nào, ai cũng muốn được chết trong mãn nguyện, hạnh phúc; cả khi sống lẫn khi chết, ai cũng mong bản thân sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực cho xã hội. Sự khác biệt nằm ở đây; chỉ cần người có chí, thì hoàn toàn không phải chuyện khó thực hiện.
Dù có bất hạnh mà đoản mệnh chết bệnh như Masaoka Shiki và Kiyozawa Manshi, chết đói như Bá Di hay Đỗ Phủ, chết cóng như Fukakusa no Shosho, chết đuối như thuyền trưởng Sakuma,((Sakuma Tsutomu (1879–1910): nhà hải quân người Nhật.)) chết cháy như quốc sư Kaisen,((Kaisen Joki (khoảng 1500–1582): nhà sư người Nhật.)) chết vì động đất như Fujita Toko, thì cũng chẳng phải là chuyện đáng cảm thán hay sao. Vì lý tưởng, vì phận sự, vì chí khí, vì tình yêu hay vì lòng trung thành — họ đã thoát khỏi vòng tử sinh; khi nhìn lại, từng người họ đều đã đạt được thứ gì đó thật lớn lao từ cái chết. Họ chết mãn nguyện, chết hạnh phúc, mà cái chết của họ cũng sinh ra những giá trị không nhỏ cho xã hội.
Masatsura Kusunoki, người đã khắc bài thơ Azusa Yumi trên cổng chùa Nyorindo, chết trận khi mới 22 tuổi. Kimura Shigenari — cắt dây mũ kabuto, xông hương lên tóc((Mũ kabuto là mũ người samurai đội khi ra trận. Cắt đoạn dây thừa ra khi đã buộc dây rồi thì không thể tháo mũ ra được nữa, ý chỉ lòng quyết tâm của người đội. Trước khi ra trận, samurai cũng thường xông hương lên tóc, ý rằng dù có chết cũng muốn được chỉnh trang, cũng ám chỉ lòng quyết tâm quyết tử của họ.)) — chết trận khi mới 24 tuổi. Họ vì cảnh riêng mà coi việc chết già chết bệnh là sỉ nhục mà xả thân nơi chiến trường, nhưng cũng vì thế mà họ chết mãn nguyện hạnh phúc, cũng vì thế mà cái chết của họ là sự hy sinh đầy vinh quang.
Nếu được tha tội chết, thì 47 lãng sĩ Ako((47 lãng sĩ vùng Ako mổ bụng tự sát sau khi giết người trả thù cho chủ tướng.))liệu có ngẩng cao đầu sống mà sống nốt phần đời còn lại được hay không, có ra đi thanh thản được hay không; hay họ sẽ sống trong sỉ nhục, sống mà còn bất hạnh hơn chết? Liệu sống hay chết mới là cái phúc của họ? Chỉ biết, họ đã coi cái chết là nghĩa vụ mà mổ bụng tự sát. Lại nói về mãn nguyện hạnh phúc: Yoshida Chuzaemon chết khi đã quá tuổi thất thập hay Oishi Chikara khi vừa đôi tám cũng đâu có khác gì nhau. Giá trị xã hội của một cái chết không hề liên quan đến tuổi thọ.
Đời người, chọn được mục đích chết không dễ. Masatsura, Shigenari hay Chikara đều đoản mệnh chết không vì lý do tự nhiên, thế nhưng tôi cho rằng họ đã chọn được mục đích chết hết sức chính đáng. Ta nên chúc mừng chứ chớ nên đau buồn cho họ và cái chết của họ.
IV.
Nói vậy nhưng tôi hoàn toàn không chán ghét chuyện sống lâu, hay cho rằng sống lâu là vô dụng vô ích. Thứ có sinh mệnh mà cuộc đời lại hạnh phúc mãn nguyện, thì tất nhiên thọ càng dài càng tốt. Nếu muốn có công đức sự nghiệp tỏa sáng ngàn năm, lay động vạn người, thì đương nhiên là cần nhiều năm tháng.
Ino Tadataka((Ino Tadataka (1745–1818). Người đầu tiên vẽ chính xác bản đồ Nhật Bản.)) năm 50 tuổi bái môn Takahashi Saemon((Dịch theo nguyên tác. Trên thực tế, thầy của Ino Takada tên là Takahashi Yoshitoki. Lưu ý rằng Kotoku viết tác phẩm này khi đang bị giam, không tiếp cận được nhiều tư liệu tra cứu.)) lúc ấy mới hơn 30 tuổi để xin học khảo sát địa chất, năm hơn 70 mới hoàn thành bản đồ địa chất Nhật Bản. Triệu Châu Tòng Thẩm năm 60 tuổi mới bắt đầu tu tập tọa thiền, trải qua 20 năm mới triệt ngộ, sau đó tiếp tục phổ độ chúng sinh suốt 40 năm. Vì Đức Thích Ca Mâu Ni tại thế suốt 80 năm ròng mà ánh sáng của người mới có thể rọi khắp chúng sinh. Khổng Tử cũng nói, 50 tuổi có thể biết được thiên mệnh, 60 tuổi không còn thấy chuyện gì lạ, 70 tuổi mới có thể nghĩ và làm điều mình muốn mà không vượt ra ngoài khuôn khổ phép tắc. Càng lớn tuổi thì người ta càng trở nên khôn ngoan, đức độ.
Với những người có sức khỏe và tinh lực phi thường, có thể dùng thọ mệnh mài giũa nhân cách và hoàn thành sự nghiệp của bản thân, thì trường thọ quả nhiên là một điều hạnh phúc và đáng quý.
Như đã nói, những kẻ có thiên bẩm, tố chất và hoàn cảnh, vận mệnh như vậy trong xã hội ngày nay, quả thực là trăm ngàn người mới thấy một. Những kẻ khác thì chỉ có thể cam tâm chịu chết yểu, chết vì lý do bất thường. Giả sử có ngẫu nhiên kéo dài được tuổi thọ đi nữa mà sức khỏe và tinh lực lại không theo kịp, chìm trong đói nghèo cùng khổ, không hưởng thụ bản thân, không làm lợi cho thiên hạ. Sống vật vờ qua ngày như vậy, không phải chết trẻ còn tốt hơn hay sao.
Gừng càng già càng cay là chuyện ngoại lệ, qua một độ tuổi nhất định thì cả tâm và thân đều sẽ suy yếu. Vì những yếu tố như di truyền hay hoàn cảnh mà độ tuổi này mỗi người mỗi khác, nhưng sẽ có thời điểm mà sức khỏe và tinh lực của con người ta đạt tới đỉnh cao, nói cách khác chính là “đỉnh cao sự nghiệp”. Vì thế, trong khi đạo đức hay tri thức có thể vẫn phát triển cả khi tuổi đã cao, sự nghiệp — thứ cần nhiều sức khỏe và tinh lực — thì khi đã qua “đỉnh cao” thường là hỏng, chỉ như nỏ mạnh hết đà mà thôi.
Một ví dụ điển hình là nghề lực sĩ. Hoặc là trong văn học nghệ thuật, lắm tác gia bất hủ lại viết ra những tác phẩm không mấy thành danh khi về già. Làm cách mạng đòi hỏi nhiều niềm tin, chí khí và tinh lực nhất, nên phải trông đợi vào lớp trẻ. Xưa nay cách mạng toàn là do sức thanh niên gây dựng mà nên. Những người có tài tham gia vào Minh Trị Duy Tân hầu hết đều mới đầu hai, đầu ba; những người khởi xướng Cách mạng Pháp như Robespierre, Danton hay Hébert, cũng đều mới 35, 36 lúc lên đoạn đầu đài.
Thế nên khi đang ở “đỉnh cao sự nghiệp” mà dốc sức hy sinh không mệt mỏi cho nhân đạo, cho sự nghiệp, cho tình yêu, cho con tim, cho những thứ mà bản thân coi trọng hơn cả sinh mệnh, thì trước tiên người ta sẽ tìm được mục đích chết, và còn để lại ảnh hưởng, ấn tượng không nhỏ lên xã hội và lòng người. Nếu không chết cho mục đích ấy, sẽ phải chịu đựng sự xấu hổ còn kinh khủng hơn cả cái chết. Bây giờ tôi thấy rất nhiều người vì không tìm được mục đích chết mà phải chịu sống trong nhục nhã.
Hè năm ngoái, khi cả nước đang khóc thương cho Hasegawa Futabatei((Hasegawa Futabatei (còn gọi là Futabatei Shimei) (1864–1909): tác giả, dịch giả nổi tiếng thời Minh Trị. Qua đời khi đang trên tàu thủy từ Nga về nước.)) — người đã mất trên chuyến tàu thuỷ từ Nga về nước, Sugimura Sojinkan((Sugimura Sojinkan (1872–1945): Nhà báo, tác giả người Nhật.)) bảo tôi: “cậu mà chết mấy năm trước lúc đáp tàu thuỷ sang Mỹ hay từ Mỹ về thì tuyệt phải biết nhỉ.” Anh ấy nói đùa thế, nhưng có lẽ tôi nên chết lúc đó thật cũng nên. Vì cầu chết vinh nên tôi không thể trở thành “vĩ nhân”, lại bị coi là “thằng ngu”, “thằng tồi” mà sống trong nhục nhã; có sống lâu hơn nữa chắc cũng chỉ chuốc thêm càng nhiều nhục nhã.Thế nên, chớ ghê sợ hay trốn tránh chuyện chết trẻ. Nếu có cái chết nào đáng sợ đáng tránh, thì ấy là cái chết đột ngột, chết mà chưa kịp chuẩn bị tinh thần, chết mà không an lòng, chết trong thống khổ khi tự sát((Ở đây chỉ việc các cặp đôi yêu nhau cùng tự sát, thường là vì bị gia đình ngăn cấm, không đến được với nhau.)) vì không vứt bỏ được vọng tưởng và chấp niệm, chết trong đau đớn vì đau bệnh hay thương tật. Mệnh tôi bây giờ phải chết, nhưng còn may là không phải chết trong những tình huống như thế.
Trong xã hội ngày nay, việc sống tròn mệnh là vô cùng khó đối với nhiều người. Thế nên nếu có chết mãn nguyện, hạnh phúc, chết cho tròn phận sự (cá nhân tôi không trông đợi sẽ chết vì lý do gì khác ngoài phận sự của bản thân) và giá trị xã hội, thì dù có chết bệnh, chết đói, chết cóng, chết đuối, chết cháy, chết ngạt, chết vì động đất, chết vì bị xe đâm, chết vì bị treo cổ, chết vì thương tật, chết vì tự sát hay bị sát hại đi nữa, cũng không có lý do gì phải ghê sợ hay trốn tránh cái chết cả.
Vậy thì bị tử hình cũng đâu có gì khác biệt? Cũng đâu có lý do gì để ta phải ghê sợ hay trốn tránh?
V.
Tử hình bị coi là thứ ghê tởm, đáng sợ bậc nhất. Nhưng đối với tôi, nó cũng chỉ là một cách chết, chẳng khác gì chết bệnh hay các kiểu chết không thuận tự nhiên khác. Tử tù còn được chuẩn bị tinh thần trước và không phải chịu đau đớn lúc chết — tính ra thì chỉ hơn không kém những kiểu chết khác.
Vậy tại sao người đời lại ghê tởm, kinh sợ tử hình? Không cần nói cũng biết, bởi vì họ cho rằng chỉ những kẻ cực kỳ tàn ác hoặc mang trọng tội mới bị tử hình. Những kẻ đó sẽ bị khinh ghét vì làm bẩn gia môn, làm nhục hậu đại, làm xấu mặt bạn bè. Nói cách khác, thứ đáng bị ghê tởm kinh sợ ở đây không phải là bản thân cái chết, mà là bản tính tàn ác và tội ác của người chết.
Người trinh nữ 26 tuổi Charlotte Corday, một kiếm đâm chết tên ác ôn Marat((Jean-Paul Marat (1743–1793): chính trị gia người Pháp.)) thời Cách mạng Pháp, đã tuyên bố trước tòa rằng: “ta giết một mạng để cứu vạn người.” Cô nói rõ trong bức thư gửi cha trước khi bị hành hình: “án tử hình không có gì đáng xấu hổ; chỉ có tội ác mới là điều nhục nhã.”
Không cần nói cũng hiểu, án tử hình nhắm vào những kẻ tàn ác hoặc mang trọng tội. Vậy nên, thực tế là từ xưa đến nay, nhiều tay tội đồ nhục nhã, đáng ghét, đáng sợ đã bị tử hình. Tuy nhiên, việc nhiều người lương thiện, hiền minh, đáng kính, đáng mến bị tử hình cũng là sự thật. Mà nhiều người bình thường thấp cổ bé họng, không phải thiện nhân đáng kính cũng chẳng phải ác nhân đáng khinh, chỉ vì phạm luật đương thời như giết một con hạc hay một con chó mà bị tử hình,((Năm 1687, Shogun thời đó là Tokugawa Tsunayoshi ra lệnh cấm người dân không được giết và ăn thịt động vật, bao gồm chó, mèo, chim, thậm chí cả trai sò ốc hến và côn trùng. Án lệ có trường hợp người vì giết chó, giết hạc mà bị tử hình (riêng loài hạc đã có lệnh cấm giết từ trước thời Tsunayoshi). Lệnh này kéo dài đến năm 1709.)) ấy cũng là sự thật. Tóm lại, không phải ai chết vì án tử hình cũng đều là kẻ tàn ác hoặc mang trọng tội.
Cả Ishikawa Goemon lẫn Kunisada Chuji đều bị tử hình. Hirai Gonpachi và Nezumi Kozo cũng bị tử hình. Shirakoya Okuma hay Yaoya Oshichi cũng bị tử hình. Perovskaya((Sophia Perovskaya (1853–1881): nhà cách mạng người Nga. Bị tử hình vì có liên quan đến vụ ám sát Sa hoàng Alexander II.)) cùng Osinsky((Valerian Osinsky (1887–1938): chính trị gia, giáo sư người Nga. Bị giết trong cuộc Đại thanh trừng.)) cũng bị tử hình. Tỷ Can, Thương Ưởng, Hàn Phi, Cao Khải, Ngũ Tử Tư hay Văn Thiên Thường cũng bị tử hình. Kiuchi Sogoro, Yoshida Shoin, Tatsuo Kumoi, Eto Shinpei, Akai Kageaki lẫn Tomatsu Masayasu đều bị tử hình. Tử tù có kẻ cướp của, giết người, phóng hỏa, hoặc là loạn thần phản tử, thì cũng có trung thần, hiền triết, học giả, thi nhân, nhà yêu nước, nhà cách mạng. Đây chỉ vài ví dụ nảy ra trong đầu tôi ngay lúc này. Nếu có trong tay cuốn Lịch Sử Đông Tây và Từ Điển Danh nhân, thì cứ bao nhiêu nhục nhã, tội ác trên đài hành hình, tôi có thể đưa ra bấy nhiêu bằng chứng của quang vinh, danh dự.
Nhìn vào tòa án dị giáo ở Tây Ban Nha mà xem: hàng trăm ngàn người lương thiện bị thiêu sống chỉ vì bị nghi ngờ không tuân theo tín ngưỡng của Nhà thờ. Nhìn vào thời kỳ khủng bố của Cách mạng Pháp mà xem: chẳng phải một ngày có cả nghìn người rơi đầu vì chuyện đảng phái chính trị hay sao. Nhìn vào lịch sử Mạc Phủ Nhật Bản mà xem: từ cuộc thanh trừng thời Ansei,((Thanh trừng Ansei: xảy ra từ năm 1858 đến 1859. Mạc Phủ Tokugawa sát hại nhiều người bất đồng chính kiến liên quan đến vấn đề quan hệ ngoại giao giữa Nhật và các nước phương Tây.)) khắp các phiên((Đơn vị hành chính thời Mạc Phủ.)) cả lớn lẫn nhỏ, số người bị xử chém hoặc vong mạng quả là đếm không xuể. Nhìn vào những ghi chép về Cách mạng nga mà xem: trong 40 năm trở lại đây, số người bị tử hình vì tham gia hoặc bị nghi ngờ tham gia phong trào cách mạng có lẽ phải lên tới hàng vạn. Nhất là Trung Quốc: có thể nói, đặc trưng của năm ngàn năm lịch sử quốc gia này, không gì khác chính là án oan.
Nếu nhìn theo cách này, rõ ràng án tử hình được áp dụng theo pháp luật đương thời, nhưng nhìn vào lịch sử các quốc gia trên thế giới, liệu có thể khẳng định tội tử hình luôn gắn liền với sỉ nhục và tội ác được hay không? Có thể khẳng định rằng có nhiều sỉ nhục cùng tội ác — vốn được coi như định nghĩa của án tử hình — hơn vinh quang hay thậm chí là oan sai hay không? Tôi cho rằng đây là một vấn đề chưa có lời giải đáp.
Vậy nên, nếu bây giờ có điều gì khiến tôi phải xấu hổ, ghê tởm, kinh sợ, thì đó không phải cái án tử này, mà là việc bản thân là ác nhân hay tội đồ kia. Điều này thì cá nhân tôi không dám bàn, cũng không có tự do để bàn. Chỉ là đối với tôi, án tử hình quả thật không là gì cả.
Tôi tự hỏi, có tội ác nào thực sự đáng bị tử hình hay không? Án tử hình có thật sự đem lại công lý không? Từ xưa tới nay, án tử hình có hiệu quả không, có được áp dụng đúng mục đích không? Đây lại là một câu hỏi chưa có lời đáp, làm đau đầu nhiều học giả. Tuy nhiên, tôi không bàn tới chuyện có nên bỏ án tử hình hay không. Cá nhân tôi bây giờ không cho tử hình là chuyện quan trọng đến mức phải bàn xem nên giữ hay bỏ; không khác gì so với chết bệnh hay những cái chết bất thường khác.
Phật gia thường dọa, vô thường tấn tốc, sinh tử đại sự. Cuộc đời có khi là hạnh phúc, có khi lại là thống khổ, nhưng dù thế nào cũng chuyện lớn. Vậy cái chết có phải chuyện lớn không? Chẳng phải chỉ là quá trình trao đổi chất ngừng lại, cơ thể phân hủy thôi hay sao? Sự quan trọng của cái chết vốn chỉ là con bù nhìn mà những kẻ có trí tuệ xưa nay dựng lên. Giả bộ nói về địa ngục và cực lạc, thực tế chỉ là không thể buông bỏ hết chấp niệm và vọng tưởng. Nhìn từ xa thì có vẻ sâu sắc, mà lại gần thì chẳng ra gì.
Tôi cũng không nhất định vội vã muốn chết. Còn mệnh thì sống, trong thì tận hưởng, nếm trải nhân sinh, ngoài thì làm lợi cho đời, ấy là chuyện đương nhiên. Nhưng tôi cũng chẳng muốn sống cho có. Dù là bệnh tật, tai nạn hay án tử hình, phải chết thì cứ chết thôi. Được như vậy là tôi an tâm, mãn nguyện rồi.
Bây giờ đến lúc rồi. Đây là vận mệnh của tôi. Sau đây tôi xin được bàn một chút về quan điểm vận mệnh của bản thân.