Trong một bài luận được chấp bút ngay trước khi qua đời, David Graeber nói rằng sau đại dịch, chúng ta không thể quay trở lại với một thực tế mà việc tổ chức xã hội phục vụ mọi đòi hỏi của một số ít người giàu, trong khi sỉ nhục và khinh thường đại đa số chúng ta, lại được coi là hợp tình hợp lý.
Trước cái chết bi thảm khi mới 51 tuổi vào tháng 9 năm 2020, người vô trị, nhà nhân chủng học và nhà tổ chức hoạt động xã hội David Graeber đã viết bài luận này, bàn về những khả năng của đời sống và chính trị sau đại dịch COVID-19. Jacobin tự hào được công bố bài luận của Graeber lần đầu tiên.
Vài tháng tới, cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc và chúng ta sẽ được quay trở lại với những công việc “không thiết yếu” của mình. Nhiều người sẽ thấy điều này hệt như bừng tỉnh từ một giấc mơ vậy.
Các phương tiện truyền thông và giai cấp chính trị chắc chắn sẽ khuyến khích ta nhìn nhận mọi thứ theo cách này. Đây là những gì đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ta đã có một khoảnh khắc nghi ngờ ngắn ngủi. (“Tài chính” là gì? Không phải chỉ là nợ của người khác hay sao? Tiền là gì? Cũng chỉ là nợ? Nợ là gì? Không phải chỉ là một lời hứa hay sao? Nếu tiền và nợ chỉ là một tập hợp của những lời hứa giữa chúng ta, tại sao ta không thể hứa với nhau những lời khác?) Gần như ngay lập tức, cánh cửa sổ này bị đóng sập lại bởi những kẻ đòi ta phải im miệng, ngừng suy nghĩ và quay trở lại làm việc, hoặc ít ra là bắt đầu đi tìm việc.
Bao lâu nay, nhiều người đã tin vào những lời dối trá ấy. Lần này, điều then chốt là ta không làm như vậy.
Bởi lẽ, trong thực tế, cuộc khủng hoảng mà ta vừa trải qua chính là việc bừng tỉnh cơn mơ, là sự đối mặt với thực tại cuộc sống con người: chúng ta là một tập hợp những sinh vật yếu ớt đang đùm bọc lẫn nhau, và những người gánh nhiều phần gian khổ giúp ta sống sót nhất lại bị đánh thuế quá cao, trả lương quá thấp và bị sỉ nhục hàng ngày, và rằng một phần rất lớn dân số chẳng làm gì ngoài thêu dệt ảo tưởng hay hút máu tiền thuê nhà — nói chung là cản đường những người đang xây dựng, sửa chữa, khuân vác, vận tải mọi thứ, hay là đáp ứng nhu cầu của những sinh vật sống khác. Quan trọng là ta không được quay trở lại một thực tế mà ở đó, tất cả những điều này đều không có cách giải thích, hệt như những thứ vô nghĩa trong mơ vậy.
Thế này thì sao: tại sao ta không ngừng coi chuyện càng làm công việc có ích, càng bị trả lương bèo bọt là điều hiển nhiên; tại sao ta không ngừng nhấn mạnh rằng thị trường tài chính là cách tốt nhất để định hướng đầu tư dài hạn, ngay cả khi nó đang xui khiến ta tiêu diệt phần lớn sự sống trên Trái đất?
Thay vào đó, khi có tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp hiện nay, tại sao ta không ghi nhớ những bài học đã được rút ra: rằng nếu “nền kinh tế” có bất cứ ý nghĩa gì, thì nó là việc chúng ta cung cấp cho nhau những nhu yếu phẩm cần thiết để tồn tại (theo mọi nghĩa của từ này), rằng phần lớn thứ mà ta gọi là “thị trường” chỉ là một cách liệt kê ham muốn của những kẻ giàu có — những kẻ hầu hết là hơi bệnh hoạn. Đám quyền lực nhất trong số này đang hoàn thiện bản thiết kế của các boongke mà chúng có kế hoạch chui lủi trốn vào, nếu mọi người quá ngu ngốc và tiếp tục tin theo những lời thuyết giảng của lũ tay sai chúng, rằng tất cả chúng ta quá thiếu thường thức để đối phó với những thảm họa sắp xảy ra.
Lần này, ta hãy cùng lờ chúng đi nhé?
Hầu hết công việc chúng ta đang làm hiện nay là việc-mơ-mộng. Những công việc ấy chỉ tồn tại cho có, hoặc để khiến đám nhà giàu phổng mũi, hoặc để khiến những người nghèo cảm thấy bị sỉ nhục. Nếu ta chỉ đơn giản là dừng lại, ta có thể tự vẽ ra những lời hứa hợp lý hơn nhiều: một “nền kinh tế” cho phép chúng ta thực sự chăm sóc những người đang chăm sóc mình.