Categories
Bản dịch

Xưởng xiềng xích

Đêm bừng tỉnh giấc, tôi thấy mình đang ở một chốn quái lạ.

Vô số người đứng lộn xộn quanh tôi, tay ai cũng bận việc. Họ đang mải làm dây xích.

Gã cạnh tôi quấn một sợi xích khá dài quanh thân, rồi đưa đoạn xích thừa ra cho người đứng cạnh. Người đó nối dài sợi xích, quấn nó quanh mình, rồi lại đưa đuôi xích cho kẻ tiếp theo. Trong khi đó, gã đầu tiên lại nhận xích từ người đứng kế, nối dài nó, quấn quanh người rồi đưa đuôi xích cho kẻ đứng chéo mình. Tất cả làm đi làm lại một việc giống nhau, nhanh đến hoa cả mắt.

Mọi người ai quanh thân cũng quấn phải đến mười, hai mươi vòng xích, thoạt nhìn tưởng khó mà cử động nổi, nhưng tay chân họ vẫn đủ tự do để nối xích quấn quanh người. Ai cũng mau tay làm. Ai mặt cũng thản nhiên, thậm chí còn ra chiều tận hưởng.

Nhưng có vẻ không phải mọi người đều vậy. Cách mười người phía đối diện chỗ tôi đang đứng, một kẻ lớn tiếng hét cái gì rồi mạnh tay ném đoạn đuôi xích đi. Sau đó, một người đàn ông đứng gần đó — cũng xích quấn quanh người — hùng hổ tiến lại gần rồi dùng một cây gậy lớn đánh hắn ba, bốn gậy. Mọi người gần đó hét lên sung sướng. Kẻ bị đánh vừa khóc vừa nhặt đầu xích lên, rèn một mắt xích rồi rồi nối, rèn một mắt xích nhỏ rồi nối. Từ lúc nào không rõ, nước mắt hắn đã cạn khô.

Đó đây có những gã, dù cũng xích quấn quanh thân nhưng so với mọi người thì bảnh tỏn hơn một chút, cất giọng vành khuyên mà nói liên mồm như máy hát. Chúng dùng toàn những ngôn từ hoa mỹ cùng lý luận viển vông mà nói những chuyện đại ý như: “xiềng xích là thứ thiêng liêng bảo vệ ta, giải phóng ta.” Mọi người ai cũng lắng nghe vẻ chăm chú lắm.

Và ở giữa nhà máy rộng lớn như bình nguyên ấy, một đám người trông có vẻ quý phái — có lẽ là gia đình chủ nhân của nhà máy này — nằm trên ghế sô pha mà phì phèo hút thứ gì, hình như là xì gà. Những vòng khói thỉnh thoảng bay lởn vởn trước mặt đám thợ quanh đó, khiến họ nhăn nhó khó chịu.

Vừa tự nhủ “đây là chốn quái đản nào,” thì không hiểu sao khớp xương khắp người tôi đau nhói. Để ý nhìn, hoá ra quanh thân tôi cũng quấn mười, hai mươi vòng dây xích. Tay tôi vẫn đang miệt mài nối mắt xích. Hoá ra tôi cũng là một người thợ trong nhà máy.

Tôi buồn bã, phẫn nộ rồi tự nguyền rủa mình. Tôi nhớ những lời của Hegel:((Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770–1831): nhà triết học nổi tiếng người Đức.)) “mọi thứ có thật đều hợp lý. Mọi thứ hợp lý đều có thật.”

Có vẻ Wilhelm I((Wilhelm I (1797–1888): cựu Hoàng đế Phổ, tại vị từ 1861–1888.)) và các chư hầu trung thành của hắn đã diễn giải những lời này thành sự dung túng triết học cho mọi thực tế chính trị đương thời, chẳng hạn như chế độ chuyên chế, nhà nước cảnh sát hay những phiên toà xử kín và áp bức ngôn luận.

Không chỉ riêng thực tế chính trị, mà tất cả mọi thực tế. Đối với những người Phổ mông muội, hẳn tất cả những thực tế đó đều là chuyện đương nhiên và hợp tình hợp lý.

Chừng nào tôi còn rèn xích buộc mình, thực tế này là đương nhiên, là hợp lý, là nhân quả.

Tôi phải ngừng rèn xích buộc mình. Tôi phải ngừng tự trói mình. Tôi phải phá bỏ xiềng xích quanh mình. Tôi phải xây dựng một bản ngã mới, tạo ra một thực tế mới, một đạo lý mới, một nhân quả mới.

Thứ xiềng xích trói buộc não tôi dễ gỡ hơn tôi tưởng. Tuy nhiên, những sợi xích quanh tay chân tôi lại ngoan cố cắn chặt vào da thịt, thậm chí vào tới tận xương, chỉ chạm nhẹ thôi cũng đau không chịu nổi. Thế mà tôi vẫn cắn răng gỡ được một chút. Gỡ mãi rồi, cơn đau lại kéo theo một chút sung sướng. Thành ra, ba, bốn gậy từ những gã đứng giám công cũng chẳng hề gì. Những lời chửi rủa từ đám người xung quanh, tôi trơ mặt nhận.

Thế nhưng, có nhiều sợi xích một mình tôi không thể phá. Xích của tôi nối với xích của những người khác một cách rất tinh vi. Tôi bó tay bất lực. Chỉ cần hơi lơ là, những sợi xích tôi đã phải chịu đau cắn răng gỡ sẽ quấn lấy thân tôi một lần nữa. Chẳng biết tự khi nào, tôi lại bắt đầu tự tay nối dài xích của chính mình.

Chủ nhà máy cầm chìa khóa vào dạ dày ta, xoay chìa khoá là di chuyển được tay chân ta. Trước nay, tôi luôn nghĩ rằng não mình điều khiển tay chân mình, nhưng hoá ra tôi sai to. Quanh tôi, không kẻ nào điều khiển tay chân bằng bộ não của chính mình. Tất cả đều bị chi phối bởi bộ não của kẻ nắm giữ chìa khóa vào dạ dày họ. Nghe thì có vẻ ngớ ngẩn, nhưng lại là sự thật không cách nào tránh khỏi.

Thế là tôi quyết định giành lại chìa khóa vào dạ dày mình. Nhưng, đánh cắp riêng chiếc chìa khóa vào bụng tôi là một nhiệm vụ bất khả. Chìa khóa dạ dày tôi và chìa khóa dạ dày mọi người tinh vi mắc vào nhau trong tay hắn, tôi không thể tự mình rút ra được.

Quanh hắn lại có rất nhiều lính canh. Đám lính canh ai cũng xích quấn quanh thân, đứng giương nào những cung cùng giáo, nhìn đáng sợ không dám lại gần.

Tưởng muốn tuyệt vọng, tôi nhìn những người xung quanh.

Nhiều kẻ còn chẳng biết mình bị xích trói. Lắm kẻ dù biết, nhưng lại lấy làm cảm kích. Có kẻ thì chẳng biết ơn gì, nhưng cũng chỉ biết chấp nhận mà tiếp tục làm xiềng xích. Lại thêm những kẻ, biết việc làm xích là ngớ ngẩn, thường xuyên rình lúc đám giám công lơ là mà lén nghỉ tay, rồi ôm ấp những mộng tưởng ích kỷ trong đầu và nhiệt tình lảm nhảm rằng mình tự do lắm, chẳng hề bị xiềng xích trói buộc. Nực cười đến mức tôi chẳng nỡ nhìn.

Đột nhiên, tôi nhìn quanh và thấy có những người hình như giống mình.

Không nhiều, nhưng có vẻ ai cũng nhắm đến chiếc chìa khóa vào bụng mọi người trong tay gã chủ. Và cũng giống tôi — nghĩ rằng khó mà đánh cắp được chìa khóa của chính mình — họ liên tục thì thầm với những người đứng gần để kết bè kết phái.

“Đám chủ không có mấy người, còn chúng ta lại đông đảo. Ta áp đảo chúng về số lượng. Nếu đoàn kết lại, chúng ta có thể một trận lấy lại chìa khóa của mình.”

“Nhưng chúng ta tin vào công lý và hòa bình, thế nên phải hạn chế bạo lực. Ta phải đi theo con đường hòa bình, mục tiêu của ta có thể đạt được một cách dễ dàng.”

“Mỗi năm một lần, chúng ta lại cử đại diện đến gặp chủ nhân để quyết định mọi thứ trong cuộc sống của ta. Tất cả những kẻ trong cuộc họp đó đều là đại diện của chủ nhân ta. Nếu ta cố gắng bầu ra nhiều người đại diện của riêng mình, ta có thể biến họ thành phe đa số trong cuộc họp và khiến họ bỏ phiếu theo ý mình.”

“Ta chỉ cần ngoan ngoãn rèn xích quấn xích, rồi bầu cho người đại diện của ta vào dịp bầu cử vài năm mới có một lần.”

“Những người đại diện sẽ dần nới lỏng xiềng xích cho chúng ta, rồi cuối cùng sẽ lấy lại chìa khóa dạ dày ta từ tay chủ nhân. Sau đó ta sẽ chuyển đến một nhà máy mới với một tổ chức, một hệ thống lý tưởng mới của riêng ta, còn xiềng xích sẽ nằm trong tay người đại diện của ta.”

Suốt một thời gian, tôi cho rằng lập luận này là có lý nhất. Nhưng tôi lại không sao tin vào chiến thuật chỉ dựa vào số lượng áp đảo, dựa vào người khác hơn là dựa vào chính bản thân mình. Rồi họ tuyên bố lý thuyết mà họ tuyên xưng là khoa học, thế là tôi nhận ra rằng họ cũng chẳng phải đồng chí của tôi.

Họ là những nhà Panlogist((Tiếng Anh trong bản gốc. Tạm dịch: người theo chủ nghĩa phiếm logic. Từ này có liên hệ với các ghi chép của Inoue Enryo (1858–1919), người cố gắng kết hợp triết học của Hegel với Phật giáo, với lý do rằng cả hai đều là hình thức của “thuyết phiếm duy lý” (“pan-rationalism”) hoặc “thuyết phiếm logic” (“panlogism”). Xem Masaaki Kōsaka, Japanese Thought in the Meiji Era (Tokyo: Pan-Pacific Press, 1979) 244–45 và James M. Shields, Against Harmony: Progressive and Radical Buddhism in Modern Japan (New York: Oxford University Press, 2017) (chú thích bản tiếng Anh).)) đáng sợ, là những kẻ theo thuyết vận mệnh một cách máy móc đến hãi hùng. Họ tin rằng trong tổ chức nhà máy mới lý tưởng mới, họ sẽ là những kẻ thừa kế hiển nhiên của tổ chức nhà máy hiện thời — một kết quả tất yếu của quá trình kinh tế. Thế nên, họ cho rằng chỉ cần tuân theo quá trình kinh tế ấy mà thay đổi thể chế và tổ chức của nhà máy là được.

Nếu phải quyết định, tôi cũng là một nhà Panlogist. Tôi cũng là một người theo thuyết vận mệnh một cách máy móc. Nhưng suy nghĩ và thuyết vận mệnh của cá nhân tôi có rất nhiều ẩn số. Việc hiện thực hóa lý tưởng của tôi không phải là điều tất yếu. Nó chỉ là một khả năng, với mức độ thành công nhất định. Tôi không thể lạc quan về tương lai như họ được. Thực chất, sự bi quan về tương lai tiếp sức cho những nỗ lực của tôi trong hiện tại.

Phần lớn những thứ tôi gọi là ẩn số nằm trong chính con người. Nằm trong sự phát triển của cuộc sống. Nằm trong chính sức mạnh của cuộc sống. Cụ thể hơn, chúng nằm trong những nỗ lực để nhận thức tiềm năng và sự tự chủ của một cá nhân, nằm trong nỗ lực đấu tranh cho sự phát triển không ngừng ấy.

Không nghi ngờ gì nữa, quá trình kinh tế là động lực to lớn nhất quyết định tương lai của nhà máy này. Nhưng kết quả của quá trình đó sẽ mang đến loại hình tổ chức và thể chế nào, việc này phụ thuộc vào những điều chưa biết, vào khả năng và nỗ lực của chúng ta. Tổ chức cũng như hệ thống chính là hiện thân của sự tiếp xúc giữa người với người. Sự tiếp xúc giữa số không và số không, mối quan hệ giữa số không và số không, luôn luôn là một số không tròn trĩnh.

Thế nhưng, tôi không khỏi run rẩy sợ hãi trước sức mạnh gần như toàn năng của các tổ chức và hệ thống hiện thời. Những công nhân nhà máy này — kẹt ở mộng trung mộng — tưởng rằng mình là một cá thể hoàn chỉnh mà chẳng mảy may để tâm đến sức phá hủy của hệ thống ấy.

Kẻ lười biếng không có sự tiến bộ. Kẻ lười biếng không làm nên lịch sử.

Tôi nhìn quanh mình một lần nữa.

Hầu hết họ đều lười biếng. Tất cả cần mẫn lao động chỉ để rèn xích quấn quanh người, trong khi chịu bị bộ não kẻ khác chi phối, hầu như không ai làm việc bằng chính khối óc của mình. Cho dù có tập hợp được bao nhiêu người như thế thì cũng không ích gì, bởi họ chẳng có động lực, chẳng có năng lực tạo tác.

Tôi đã tuyệt vọng với đám đông vô tri này rồi.

Hy vọng của tôi chỉ dựa vào bản thân tôi. Nó dựa vào một thiểu số ít ỏi nhận thức được sức mạnh và quyền năng của chính mình, phần nào trải qua cuộc cách mạng của chính bản thân và nỗ lực hết mình để cải thiện tình hình.

Ta cần đối mặt với những kẻ nắm giữ chìa khóa vào dạ dày của ta, cần đối mặt với tổ chức và thể chế của nhà máy đang vận hành theo ý chúng này và chiến đấu với chúng như chiến đấu với một con quái thú.

Có thể đến phút cuối, ta vẫn chỉ là một thiểu số ít ỏi. Nhưng ta có sáng kiến, ta có nỗ lực. Ta có kinh nghiệm hành động kết tinh từ những nỗ lực ấy. Ta có lý tưởng kết tinh từ kinh nghiệm ấy. Ta sẽ chiến đấu đến cùng.

Đấu tranh là sự rèn luyện cho bản ngã. Nó là nền tảng cho sự tự chủ của bản ngã. Nó là thứ nam châm, từ từ hút những kẻ lười lại gần ta và biến họ thành những chiến binh.

Cuộc đấu tranh này tạo ra ý nghĩa và sức mạnh mới trong cuộc đời ta, đồng thời ươm mầm cho nhà máy mới mà ta đang cố gắng xây dựng.

Ôi, tôi lại nói đạo lý quá nhiều rồi. Đạo lý không phá vỡ xiềng xích. Đạo lý không lấy lại chìa khóa vào bụng ta.

Những sợi dây xích cuốn lấy chúng tôi ngày càng chặt. Ổ khóa vào dạ dày ngày càng khó mở. Cả đám đông vô tri lười biếng cũng bắt đầu rục rịch. Bây giờ là lúc cần đến sự nỗ lực của thiểu số có nhận thức sẵn sàng chiến đấu. Tôi tháo bỏ xiềng xích quấn quanh chân tay và vùng đứng lên.

Tôi thức giấc. Trời đã sáng rồi, ánh ban mai giữa tháng Tám chiếu lên khuôn mặt tôi còn chưa tỉnh ngủ.


Nguồn: Thư viện Chủ nghĩa Vô trị Đông Nam Á