Thưa các bạn:
Lòng yêu nước là gì? Phải chăng là tình yêu dành cho chốn chôn rau cắt rốn, nơi đong đầy hồi ức và hy vọng, ước mơ và khát vọng tuổi thơ? Là nơi ta từng ngắm mây trôi mà ngây thơ tự hỏi, tại sao ta không thể trôi nhanh như mây vậy? Là nơi ta vừa đếm sao trời vừa lo sợ, rằng mỗi vì sao lấp lánh trên kia là một con mắt, nhìn xuyên vào sâu thẳm tâm hồn bé dại của ta? Là nơi ta nghe tiếng chim ca và khao khát có được đôi cánh như chúng để bay đến những vùng đất xa xôi? Hay là nơi ta ngồi trong lòng Mẹ, mê mẩn nghe chuyện về những cuộc viễn chinh và những chiến công vĩ đại? Vậy, phải chăng lòng yêu nước là tình cảm dành cho một mảnh đất, nơi từng tấc đất tượng trưng cho những hồi ức thân thương, quý giá của một thời thơ ấu ngập tràn niềm vui?
Nếu đó là lòng yêu nước, thì rất ít công dân Mỹ ngày nay là người yêu nước, vì chốn vui chơi ngày nào đã bị biến thành nhà máy, thành công xưởng và hầm mỏ, còn âm thanh trầm đục của máy móc đã thay thế tiếng chim ca. Ta chẳng còn được nghe về những chiến công vĩ đại, bởi những câu chuyện mẹ kể ngày nay chỉ toàn đau thương và nước mắt.
Vậy thì lòng yêu nước là gì? “Yêu nước, thưa ngài, là phương sách cuối cùng của những kẻ vô lại,” Tiến sĩ [Samuel] Johnson((Samuel Johnson (1709 — 1784): tác giả nổi tiếng người Anh.)) từng nói. Leo Tolstoy, người phản ái quốc vĩ đại nhất thời đại của chúng ta, định nghĩa lòng yêu nước là tín điều biện minh cho việc huấn luyện những kẻ giết người hàng loạt; một nghề cần công cụ giết người hơn là đồ nghề làm nên những nhu yếu phẩm như giày dép, quần áo hay nhà cửa; một kiểu kinh doanh đảm bảo mang lại vinh quang vĩ đại và lợi nhuận dồi dào hơn kế sinh nhai của người lao động thật thà…
Thật vậy, bản chất lòng yêu nước là thói tự phụ, kiêu căng và ích kỷ. Xin để tôi giải thích. Chủ nghĩa ái quốc cho rằng địa cầu được chia ra làm nhiều mảnh đất, mỗi mảnh lại được bao quanh bởi một hàng rào sắt. Những kẻ may mắn được sinh ra trên một mảnh đất nào đó tự coi mình là người cao thượng hơn, tốt đẹp hơn, tử tế hơn, thông minh hơn người sống ở những mảnh đất khác. Do đó, nhiệm vụ của mọi kẻ sống trên mảnh đất được chọn đó là chiến đấu, giết chóc, thậm chí là chết để áp đặt sự thượng đẳng của mình lên những người khác. Dĩ nhiên, cư dân của những mảnh đất khác cũng tư duy tương tự, và kết quả là ngay từ nhỏ tâm trí bọn trẻ đã bị bơm đầy những câu chuyện đẫm máu về người Đức, người Pháp, người Ý, người Nga, v.v. Đến tuổi trưởng thành, chúng đã thấm nhuần niềm tin rằng mình được chính Chúa chọn để bảo vệ đất nước khỏi sự tấn công, xâm lược của bất kỳ kẻ thù ngoại tộc nào. Vì lẽ đó, ta đang hô hào đòi quân đội và hải quân hoành tráng hơn, nhiều chiến hạm và đạn dược hơn…
Quân đội và hải quân là đồ chơi của nhân dân. Hàng trăm, hàng nghìn đô la được chi trả cho việc trưng bày đồ chơi chỉ để khiến chúng hấp dẫn hơn, dễ nuốt hơn. Đó là mục đích của chính phủ Mỹ khi tân trang và phô diễn một hạm đội dọc bờ Thái Bình Dương, hòng khiến mọi công dân Mỹ cảm nhận được niềm tự hào, vinh quang Hoa Kỳ.
Thành phố San Francisco chi một trăm nghìn đô la cho màn giải trí của hạm đội ấy; Los Angeles, sáu mươi nghìn; Seattle và Tacoma, khoảng một trăm nghìn… Đúng, hai trăm sáu mươi nghìn đô la phung phí vào pháo hoa, tiệc nhà hát và ăn chơi, trong khi đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang chết đói trên đường phố khắp cả nước; trong khi hàng ngàn người thất nghiệp sẵn sàng bán sức lao động của mình với bất kỳ giá nào.
Có gì là không thể với một số tiền khổng lồ như vậy? Nhưng thay cho bánh mì và chỗ trú thân, người ta đưa trẻ em tại những thành phố đó đi ngắm đội tàu, hòng lưu lại được — như một tờ báo viết — “kỷ niệm lâu dài trong lòng trẻ.”
Một kỷ niệm tuyệt vời, phải không? Của thứ công cụ giết chóc đầy văn minh. Nếu tâm trí của đứa trẻ bị nhiễm độc bởi những ký ức như vậy, thì còn hy vọng nào cho sự giác ngộ về tình anh em con người?
Người Mỹ chúng ta tự nhận mình là một dân tộc yêu hòa bình. Ta ghét đổ máu; ta phản đối bạo lực. Nhưng ta lại vui mừng tột độ trước khả năng phóng bom từ máy bay xuống những người dân tay không tấc sắt. Ta sẵn sàng treo cổ, chích điện, hoặc tư hình((Tiếng Anh: lynch. Giết người công khai, thường bằng cách treo cổ. Từng rất phổ biến ở Mỹ và nạn nhân thường là người da đen.)) bất cứ người nào — vì mưu cầu kinh tế mà phải liều mạng cho một tay trùm công nghiệp nào đó. Thế nhưng, tim ta lại xốn xang tự hào khi hay rằng Mỹ đang trở thành quốc gia hùng mạnh nhất địa cầu, rằng cuối cùng ta sẽ đạp bàn chân sắt lên cổ tất cả các quốc gia khác.
Đó là thứ logic của lòng yêu nước.
…Những người biết tư duy trên toàn thế giới đang bắt đầu nhận ra rằng, lòng yêu nước là một quan niệm quá hạn hẹp để có thể đáp ứng nhu cầu của thời đại chúng ta. Sự tập trung quyền lực đã khơi dậy tình đoàn kết quốc tế giữa các quốc gia bị áp bức trên khắp địa cầu; một tình đoàn kết tượng trưng cho lợi ích chung giữa người lao động Mỹ và những người anh em ngoại quốc, hơn là giữa thợ mỏ Mỹ và kẻ đồng hương bóc lột của họ; một tình đoàn kết chẳng hờn ngoại xâm, bởi nó dẫn dắt tất cả người lao động đến khi họ dám nói với đám chủ: “Tự mình giết chóc đi. Chúng tôi làm thay cho các người đủ rồi.”
…Giai cấp vô sản châu Âu đã nhận ra sức mạnh to lớn của tình đoàn kết đó, và kết quả là họ đã phát động một cuộc chiến chống lại chủ nghĩa ái quốc và bóng ma đẫm máu của nó — chủ nghĩa quân phiệt. Hàng ngàn người kẹt đầy các nhà tù ở Pháp, Đức, Nga và các nước Bắc Âu vì họ dám chống lại sự mê tín già cỗi…
Nước Mỹ phải nối bước họ. Tinh thần của chủ nghĩa quân phiệt đã tràn ngập mọi ngóc ngách đời sống. Thật vậy, tôi tin rằng chủ nghĩa quân phiệt tại đây là mối nguy lớn hơn bất cứ nơi nào khác, bởi chủ nghĩa tư bản sẵn sàng hối lộ lớn cho những kẻ nó muốn tiêu diệt…
Bước đầu đã được thi hành ngay trong các trường học… Trẻ em được dạy chiến thuật quân sự, giáo án thì ca tụng những chiến công chiến tích, trí óc trẻ thơ thì bị bóp méo tùy ý chính phủ. Thêm vào đó, tuổi trẻ tổ quốc bị xúi giục gia nhập Quân đội và Hải quân bằng những tấm áp phích chói lọi. “Cơ hội vàng để nhìn ra thế giới!” chính phủ kêu réo. Thế là những cậu bé ngây thơ bị chủ nghĩa ái quốc nô dịch, và chiến thần Moloch((Moloch: một vị thần được nhắc tới trong Kinh thánh của người Do Thái, xưa được thờ phụng bằng cách hiến tế trẻ em.)) diễu hành trong chiến thắng khắp cả nước…
Khi lời dối trá về lòng yêu nước bị chôn vùi, ta sẽ dọn đường cho một công trình vĩ đại, nơi mọi người đoàn kết trong tình anh em quốc tế — một xã hội thực sự tự do.